thị trường xe máy
xe máy
Hãng xe đổi chiêu, xe máy đồng loạt tăng giá mạnh
Trái với quy luật hàng năm là sau Tết nguyên đán, giá xe thường giảm mạnh, tại thời điểm này giá xe máy đang tăng cao.
Tại thị trường Hà Nội, hầu hết các mẫu xe máy của Honda Việt Nam đều có giá bán cao hơn giá đề xuất. Một trong những mẫu xe giá tăng cao nhất hiện nay là Air Blade phiên bản sơn đen mờ, các đại lý đang "hét" giá 46 triệu đồng, cao hơn giá đề xuất 6 triệu đồng; các phiên bản khác có giá 39,7-42,8 triệu đồng, cao hơn 700.000 đến 1,2 triệu đồng tùy đại lý.
Cùng có mức giá cao hơn đề xuất khoảng 6 triệu đồng là mẫu SH 125i, bán ra ở mức 72-72,3 triệu đồng. Xe ga Vision bán 32-33 triệu đồng, tăng 3-4 triệu đồng, SH mode có giá cao hơn 2-3 triệu đồng, bán ra 52-53 triệu đồng. Lead 125 cao hơn giá đề xuất từ 1,5-2 triệu đồng.
Ngay cả những mẫu xe số trước Tết nguyên đán Ất Mùi vẫn có giá bán thấp hơn giá đề xuất từ 500.000- 800.000 đồng thì nay cũng tăng giá, như Wave Alpha Wave RSX...
Yamaha Việt Nam cũng có mẫu xe tăng giá mạnh. Cụ thể, so với giá đề xuất, phiên bản Exciter 150 RC tăng khoảng 3,5 triệu đồng; phiên bản Exciter 150 GP tăng 4 triệu đồng. Đặc biệt phiên bản Exciter 135 loại côn tay trước có giá 40 triệu đồng được nâng lên 49 triệu đồng. Còn lại tất cả các mẫu xe khác của Yamaha Việt Nam đều bán đúng giá đề xuất, không giảm.
Đây là hiện tượng trái ngược quy luật hàng năm. Thông thường, sau Tết nguyên đán, nhu cầu mua xe của người dân giảm mạnh và các đại lý thường hạ thấp hơn giá đề xuất của nhà máy để thu hút khách hàng.
Tuy nhiên, thời điểm này, một số đại lý Honda Việt Nam tại Hà Nội cho biết hàng loạt mẫu xe tay ga đang thiếu hàng để bán, trong đó các mẫu Air Blade sơn đen mờ, SH 150i hết sạch hàng.
Với Yamaha thì số lượng xe Exciter 150 GP và Exciter 150 RC có rất ít, mỗi phiên bản chỉ có một vài chiếc. Còn Exciter 135 đã ngừng sản xuất nên số lượng càng ít hơn.
Giải thích về sự khan hiếm xe sau Tết, Phó TGĐ một doanh nghiệp xe máy có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam cho biết, năm nay doanh nghiệp này quyết định sản xuất dưới mức nhu cầu, bất chấp công suất dư thừa lớn và phải cắt giảm lao động. Đặc biệt, căn cứ vào cầu thị trường từng thời điểm cụ thể để hãng đưa ra sản lượng phù hợp.
Nhận xét về quyết định trên, một chuyên gia trong lĩnh vực ô tô xe máy cho rằng, như vậy cũng có nghĩa là một số doanh nghiệp xe máy FDI đang muốn duy trì nguồn cung thấp để tránh giá giảm mạnh. Điều này ngược hẳn với chiến lược trước đây của họ là liên tục cho ra đời các sản phẩm mới với số lượng lớn.
Thời gian qua, do dự báo sai, dẫn đến các doanh nghiệp đua nhau đẩy mạnh đầu tư, làm cho tổng công suất sản xuất xe máy tại Việt Nam tăng mạnh tới 5 triệu chiếc/năm. Tuy nhiên, tiêu thụ chỉ đạt gần 3 triệu chiếc. Dư thừa lớn, các năm trước doanh nghiệp đã cạnh tranh khốc liệt.
Có doanh nghiệp mỗi tháng đều đặn ra một mẫu xe mới mà nhiều khi chỉ thay đổi về hình thức, nhằm thu hút người tiêu dùng, nhưng có thể nói đã không đem lại hiệu quả. Nhiều xe mới liên tiếp được tung ra khiến cung vượt cầu, giá đồng loạt giảm mạnh, làm lợi nhuận giảm thấp.
Có doanh nghiệp mỗi tháng đều đặn ra một mẫu xe mới mà nhiều khi chỉ thay đổi về hình thức, nhằm thu hút người tiêu dùng, nhưng có thể nói đã không đem lại hiệu quả. Nhiều xe mới liên tiếp được tung ra khiến cung vượt cầu, giá đồng loạt giảm mạnh, làm lợi nhuận giảm thấp.
Nay, với quyết định sản xuất thấp hơn nhu cầu, có thể nói thời của giá xe máy giảm sẽ không còn nữa và người tiêu dùng hãy chuẩn bị tâm lý để mua xe với giá bán cao hơn giá đề xuất như trước kia.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), năm 2014, Honda Việt Nam chiếm 70% thị phần xe máy tại Việt Nam, tiếp đến là Yamaha Việt Nam với 15%. Như vậy, có thể nói thị trường xe máy Việt Nam đang trong thế cạnh tranh độc quyền, ở đó một vài doanh nghiệp chiếm thị phần lớn và cũng là kẻ ấn định "cuộc chơi". Nếu cơ quan chức năng không có biện pháp ngăn chặn và kiểm soát chặt chẽ, phần thiệt sẽ thuộc về người tiêu dùng.
Không có nhận xét nào